Thuế nhập khẩu(Thuế NK) là sắc thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu trong quan hệ thương mại quốc tế. Đây là một loại thuế các nước dùng để đánh vào hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu nhằm huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo hộ sản xuất và can thiệp vào quá trình hoạt động trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia.
Theo Từ điển Kinh tế học (Anh – Việt – Giải thích): “Thuế nhập khẩu (import duty), là khoản thuế mà Chính phủ đánh vào sản phẩm nhập khẩu. Được sử dụng để tăng nguồn thu cho Chính phủ và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước khác với sự cạnh tranh của nước ngoài”
Phân loại thuế nhập khẩu:
Có nhiều cách phân loại:
Nếu căn cứ vào mục đích , có thể chia thành các loại sau:
• Loại để tạo nguồn thu
• Loại để bảo hộ
• Loại để trừng phạt
Nếu căn cứ vào phạm vi tác dụng, có thể chia thành 2 loại:
• Tự quản
• Theo các cam kết quốc tế
Nếu căn cứ vào cách thức đánh thuế, có thể chia thành:
• Thuế tuyệt đối: là loại thuế tính theo một số tiền nhất định cho mỗi đơn vị hàng hóa xuất nhập khẩu, không phân biệt giá trị xuất nhập khẩu là bao nhiêu
• Thuế theo tỷ lệ phần trăm: loại thuế này được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên trị giá xuất nhập khẩu thực tế của mỗi đơn vị hàng hóa xuất nhập khẩu
• Thuế hỗn hợp: là trường hợp áp dụng hỗ hợp thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ %
• Thuế theo lượng thay thế: Là trường hợp một mặt hàng được quy định đồng thời thuế theo tỷ lệ % và thuế theo một số tiền tuyệt đối, khi tính và nộp thuế, áp dụng số tiền thuế cao hơn
Văn bản pháp quy hiện hành
Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu – Luật số 107/2016/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 06/04/2016
Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, TNK ngoài hạn ngạch thuế quan
Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan
Và các văn bản hướng dẫn liên quan
Đối tượng chịu thuế
Nội dung đối tượng chịu thuế NK quy định tại Điều 2, “Đối tượng chịu thuế” Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu số 107/2016/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 06/04/2016:
“”Điều 2. Đối tượng chịu thuế
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
- Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế NK không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a)Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
b)Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
c) Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
d) Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.””
Đặc điểm
• Là thuế gián thu áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế.
• Loại thuế gắn liền với hoạt động ngoại thương của một quốc gia, chịu ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố trong quan hệ thương mại quốc tế.
• Do cơ quan Hải quan quản lý thu.
Người nộp thuế
Nội dung Người nộp thuế NK quy định tại Điều 3, “Người nộp thuế” Luật Thuế Xuất khẩu, thuế NK số 107/2016/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 06/04/2016:
“”Điều 3. Người nộp thuế
- Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
- Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm:
a) Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế ủy quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế;
c) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
d) Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh;
đ) Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp;
e) Người khác được ủy quyền nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
5. Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật.
6. Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.
7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.””
Căn cứ tính thuế nhập khẩu
Nội dung Căn cứ tính thuế NK được quy định tại Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn, cụ thể như sau:
1. Áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm
1.1. Số tiền thuế NK được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời Điểm tính thuế.
1.2. Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất thông thường và được áp dụng như sau:
a) Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng Điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
b) Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế NK trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng Điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế NK trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
c) Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.
2. Áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối
Số tiền thuế áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối đối với hàng hóa nhập khẩu được xác định căn cứ vào lượng hàng hóa thực tế nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại thời Điểm tính thuế.
3. Áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp
Số tiền thuế áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với hàng hóa nhập khẩu được xác định là tổng số tiền thuế theo tỷ lệ phần trăm và số tiền thuế tuyệt đối theo quy định
4. Thuế đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan
- Hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo quy định
- Hàng hóa nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối ngoài hạn ngạch do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Thời điểm tính thuế
Nội dung này được quy định tại khoản 2, Điều 8, Luật Thuế Xuất khẩu, thuế NK số 107/2016/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 06/04/2016, như sau:
Thời Điểm tính thuế là thời Điểm đăng ký tờ khai hải quan
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế xuất khẩu, thuế NK hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối trong hạn ngạch thuế quan nhưng được thay đổi về đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối trong hạn ngạch thuế quan theo quy định của pháp luật thì thời Điểm tính thuế là thời Điểm đăng ký tờ khai hải quan mới.
Thời Điểm đăng ký tờ khai hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Thời hạn nộp thuế
Nội dung này được quy định tại Điều 9 “Thời hạn nộp thuế” của Luật Thuế suất số 107/2016/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 06/04/2016, như sau:
Điều 9. Thời hạn nộp thuế
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật hải quan, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp thì tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế.
2. Người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật hải quan được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trong tháng chậm nhất vào ngày thứ mười của tháng kế tiếp. Quá thời hạn này mà người nộp thuế chưa nộp thuế thì phải nộp đủ số tiền nợ thuế và tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế.
Biểu thuế, thuế suất nhập khẩu
Biểu thuế, thuế suất nhập khẩu hiện hành được thực hiện theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016//NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ về Biểu thuế suất ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, Thuế hỗn hợp, Thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan; bao gồm 03 danh mục như sau:
+ Biểu thuế ưu đãi theo tỷ lệ phần trăm (Phụ lục II của Thông tư 125/2017/NĐ-CP – Biểu thuế ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.)
+ Thuế NK tuyệt đối, thuế hỗn hợp (Phụ lục III của Thông tư 125/2017/NĐ-CP – Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe), đã qua sử dụng.)
+ Với hàng hóa ngoài hạn ngạch thuế quan (Phụ lục IV của Thông tư 125/2017/NĐ-CP – Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Xem thêm: Thủ tục và thuế nhập khẩu sữa bột
Để tư vấn chi tiết hơn, hãy liên hệ ngay tới Hotline của Vận chuyển Nga Việt