Việc quân đội Nga tuyên bố thực hiện “cơ chế im lặng” (ngừng bắn) từ trưa 8/3 nhằm thiết lập “hành lang nhân đạo” cho người dân sơ tán khỏi thủ đô Kiev và 4 thành phố khác của Ukraine, trong khi Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo người dân đã bắt đầu rời thành phố Sumy chiều cùng ngày theo thỏa thuận với Nga, là kết quả cụ thể của vòng đàm phán thứ ba diễn ra một ngày trước.
Vẫn còn quá sớm để nhận định về triển vọng cuộc xung đột tại Ukraine, song rõ ràng việc đại diện của Moskva và Kiev đã tổ chức 3 cuộc đàm phán trong hơn 10 ngày, cùng các nỗ lực ngoại giao đang được các bên liên quan ráo riết xúc tiến, cho thấy cánh cửa đối thoại để giải quyết hòa bình xung đột vẫn chưa khép lại, dù rằng còn không ít khó khăn phía trước.
Trọng tâm cuộc gặp lần ba tại Belarus giữa đại diện Nga và Ukraine, và cũng là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế lúc này, là về việc sơ tán dân thường qua các hành lang nhân đạo đã được hai bên nhất trí mở trong vòng đàm phán trước đó.
Theo trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky và nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolya, hai bên đã tháo gỡ được một số vướng mắc về nội dung này, trong đó phía Ukraine đảm bảo rằng các hành lang nhân đạo sẽ hoạt động từ ngày 8/3. Cả đại diện Nga và Ukraine đều đánh giá những tiến triển đạt được “không đáng kể,” chưa đáp ứng kỳ vọng.
Tuy nhiên, như ông Medinsky bày tỏ, hy vọng Moskva và Kiev có thể tiến một bước đáng kể hơn trong các lần gặp tiếp theo.
Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Đuma Quốc gia (Hạ viện Nga) Leonid Slutsky cho biết vòng đàm phán thứ tư giữa hai bên sẽ diễn ra trên lãnh thổ Belarus trong thời gian tới.
Khi Nga và Ukraine đồng ý ngồi vào bàn đàm phán lần đầu tiên hôm 28/2, bốn ngày sau khi xung đột bùng phát, cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh nhưng chưa thể lạc quan về khả năng hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Thực tế của ba lần đối thoại tại Belarus cho thấy thái độ thận trọng trên hoàn toàn có cơ sở, khi còn nhiều vấn đề không ai chấp nhận nhượng bộ. Nga đặt lên bàn đàm phán những vấn đề liên quan đến “các khía cạnh chính trị, vấn đề phi quân sự hóa và đảm bảo trạng thái trung lập của Ukraine.
Lập trường của Nga, như ông Slutsky khẳng định, là “không thể lay chuyển” về những vấn đề “không cần phải tham vấn thêm” này. Trong khi đó, thành viên đoàn đàm phán Ukraine David Akhramiya cho biết Kiev và Moskva có thể đạt được thỏa thuận về tất cả các vấn đề, “ngoại trừ tình trạng của Crimea và Donbass,” tức là Ukraine sẽ không công nhận quy chế của những vùng này theo yêu cầu của Nga.
[Xung đột Nga-Ukraine – bước ngoặt thay đổi cục diện thế giới?]
Trên thực tế, theo thỏa thuận hòa bình Minsk được Nhóm Tiếp xúc về Ukraine (gồm Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Nga, Ukraine) ký tháng 2/2015 (còn gọi là thỏa thuận Minsk 2) cùng Giải pháp tổng thể 13 điểm thực hiện thỏa thuận Minsk, các bên sẽ đối thoại về quy chế đặc biệt cho hai vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine, cũng như về thể chế tương lai cho các vùng này.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, các bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận Minsk, các lệnh ngừng bắn tại Donbass thường xuyên bị phá vỡ. Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đến nay đã cướp đi sinh mạng của khoảng 13.000 người.
Chuyên gia người Đức về quan hệ quốc tế Wolfgang Bork nhận định kết quả các cuộc đàm phán này rõ ràng còn để ngỏ bởi cả hai bên đều giữ lập trường của mình, và vấn đề chính là đều muốn thoát khỏi khủng hoảng mà vẫn có thể giữ thể diện. Tuy nhiên, theo ông Bork, các nỗ lực giải quyết tình hình bằng con đường ngoại giao sẽ tiếp tục được các bên khẩn trương thúc đẩy sau khi chứng kiến những tổn thất do chiến sự cùng những tác động của vòng xoáy lệnh trừng phạt-đáp trả giữa Nga và phương Tây.
Trong nỗ lực này, Pháp và Đức tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt. Trong gần 2 tuần nổ ra chiến sự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã 4 lần điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về tình hình Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn luôn cố gắng duy trì kênh liên lạc với Nga. Giới chức hai quốc gia này cũng nhiều lần khẳng định phương Tây cần duy trì đối thoại với Nga và tháo gỡ những khúc mắc của Moskva về an ninh, gốc rễ của cuộc xung đột hiện nay.
Lâu nay Paris và Berlin vẫn đi đầu Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề quan hệ với Nga. Trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz đã có các chuyến công tác con thoi tới Nga, Ukraine, Mỹ với nỗ lực tháo ngòi căng thẳng.
Thêm vào đó, hai nước này đều tham gia Nhóm bộ tứ Normandy cùng với Moskva và Kiev nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Theo chuyên gia Wolfgang Bork, dù khuôn khổ Normandy đã sứt mẻ sau những diễn biến mới đây, nhưng rõ ràng là đã có một khuôn khổ để làm hình mẫu và là cơ sở cho đàm phán mới.
Thiện chí tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine cũng được các nước như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia… bày tỏ, với mong muốn đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Moskva và Kiev.
Ngày 5/3, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có cuộc hội đàm tại Điện Kremlin với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và bay tới Berlin (Đức).
Thủ tướng Israel đã khẳng định quyết tâm làm trung gian hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine, với tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bất cứ khi nào được yêu cầu, ngay cả khi cơ hội không có nhiều. Khi cánh cửa mở ra, dù rất hẹp, chúng tôi sẽ tiếp cận tất cả các bên, tất cả khả năng và coi đó là trách nhiệm của mình.”
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine, thông báo đã sắp xếp được một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba bên lề một diễn đàn ngoại giao tại thành phố nghỉ dưỡng Antalya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 10/3.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Mevlut Cavusoglu cũng tham dự cuộc gặp này. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định Ankara sẵn sàng tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình càng sớm càng tốt trong xung đột tại Ukraine hiện nay, tiếp tục thúc đẩy các cuộc thương lượng toàn diện và có kết quả thông qua đẩy mạnh liên hệ với tất cả các bên liên quan.
Liên hợp quốc cũng tích cực tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trong đó có các trưởng phái đoàn thường trực các nước tại Liên hợp quốc, nhất là Nga và Ukraine, để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Những tổn thất do chiến sự ngày một gia tăng và lan rộng khiến yêu cầu phải có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột càng trở nên cấp bách, đặt ra sức ép với các nỗ lực ngoại giao. Khả năng sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa rõ ràng, nhưng các diễn biến mới cho thấy cánh cửa vãn hồi hòa bình vẫn chưa khép lại.
Với việc Nga và Ukraine đã ngồi vào bàn thương lượng, nêu những quan ngại và đề xuất của mỗi bên, dù chưa đi tới được sự thỏa hiệp, song cộng đồng quốc tế hy vọng các nỗ lực đối thoại sẽ được đẩy mạnh hơn nữa nhằm hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine, vì lợi ích của các bên liên quan cũng như vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của toàn thế giới./.