Categories: Tin Tức

Tổng Kết Báo Cáo Logistics Việt Nam 2020

Tổng Kết Báo Cáo Logistics Việt Nam 2020

Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của kinh tế nói chung và logistics nói riêng do nhiều yếu tố bất lợi như dịch bệnh Covid-19, thiên tai, căng thẳng thương mại và các vấn đề địa chính trị. Hãy cùng Vận chuyển Nga Việt điểm lại những tiêu điểm của Logistics năm vừa qua với Báo Cáo Logistics Việt Nam 2020 của Bộ Công Thương.

Kiến thức Logistics
 

Tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2020

Đại dịch lan rộng trên toàn cầu làm suy giảm nghiêm trọng kinh tế thế giới, buộc Chính phủ các nước phải đồng loạt áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại, đóng cửa các nhà máy và cơ sở cung cấp dịch vụ không thiết yếu. Sang quý III/2020, khi các hạn chế dần được nới lỏng, nhiều lĩnh vực kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại, tuy vậy kinh tế toàn cầu vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa để trở lại mức hoạt động trước khi dịch bệnh xảy ra.

Ở Việt Nam, đến tháng 9/2020, hầu hết các chỉ số kinh tế chính đều kém khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2019, và mặt bằng chung 5 năm trở lại đây (theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Chuỗi cung ứng nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp trong năm 2020 cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt đối với ngành chế biến, chế tạo. Ngược lại, một số ngành hàng có sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn trong thời kỳ dịch bệnh như sản xuất thuốc, hoá dược, và dược liệu, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất hoá chất, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính,…

Dịch vụ bán lẻ, du lịch, ăn uống, lưu trú, và cả vận tải hành khách, hàng hoá đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 trong năm 2020. Riêng doanh thu bán lẻ vẫn tăng nhẹ do hầu hết các hệ thống siêu thị, các cửa hàng bán thực phẩm, và hàng thiết yếu được tạo điều kiện duy trì hoạt động trong suốt thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Hoạt động logistics thế giới năm 2020 và xu hướng

Hoạt động logistics thế giới năm 2020

Năm 2020, lĩnh vực logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thiếu hụt lao động trong mùa dịch khiến hầu hết hoạt động logistics, có những thời điểm, bị tê liệt. Trong khi đó, một số phân khúc khác như logistics thương mại điện tử lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn hàng giao tại nhà tăng đột biến.

So với vận tải hành khách, tác động của Covid-19 đối với vận tải hàng hoá tương đối nhẹ vì các hạn chế về quy định ít nghiêm ngặt hơn. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, đường bộ tiếp tục được lựa chọn là phương thức vận chuyển phù hợp cho các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ cho việc phân phối thực phẩm, thuốc men, và các sản phẩm thiết yếu khác.

Theo Báo cáo Thị trường Logistics Việt Nam, vận tải đường bộ ít chịu tác động của Covid-19 hơn so với đường hàng không và đường thuỷ. Khó khăn đối với hai ngành vận tải này không chỉ do khối lượng thương mại giảm mà còn bởi tình trạng thiếu nhân công và các quy định về hạn chế và cách ly đối với người nhập khẩu tại các nước.

Triển vọng và các xu hướng chính

Theo dự báo của ResearchAndMarket.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu được ước đạt 2.734 tỷ USD vào năm 2020, sau đó tăng 17,6% lên 3.215 tỷ USD vào năm 2021. Theo nghiên cứu thị trường của Technavio, thị trường dịch vụ logistics 3PL của thế giới sẽ tăng khoảng 76,28 tỷ USD trong giai đoạn 2020 – 2024, với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm. Thị trường vận tải đa phương thức cũng sẽ tăng trưởng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 2020 – 2024, đạt quy mô khoảng 49,84 tỷ USD.

Để tận dụng tối đa các cơ hội, các nhà cung cấp dịch vụ logistics nên tập trung nhiều hơn vào các phân khúc tăng trưởng nhanh như vận tải đa phương thức, logistics trong thương mại điện tử, logistics chuỗi lạnh,… đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu về “xanh hoá” theo các quy định, cam kết quốc tế cũng như vì sự phát triển bền vững của chính mình.

Logistics

Cắt giảm chi phí logistics ở Việt Nam

 Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60%, mức chi phí cao so với các nước phát triển. Tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam cũng cao hơn Trung Quốc (14,5%) và các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Singapore (7,5 – 8,5%).

Một số nguyên nhân có thể kể đến là chi phí phi chính thức của logistics Việt Nam vẫn còn cao trong tổng chi phí vận tải đường bộ, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường biển, đường sắt và đường bộ, vận tải đa phương thức chưa phát triển hiệu quả ở Việt Nam, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý,…

 Bên cạnh đó, năng lực của doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế.
 
5/5 - (1500 bình chọn)
indochinapost