Thúc đẩy hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam
Sáng 23/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (FTU), với sự bảo trợ của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia thường niên về logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam với chủ đề “Phát triển hoạt động logisticsvà chuỗi cung ứng Việt Nam trong bối cảnh mới. Sự kiện được tổ chức trực tuyến, nhằm tạo không gian kết nối các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các giảng viên và sinh viên để chia sẻ những tri thức hiện đại, kinh nghiệm phong phú và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Bùi Anh Tuấn nhận định, dịch bệnh COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều hoạt động của đời sống xã hội; gây ra những khó khăn đáng kể cho nền kinh tế nói chung; trong đó có hoạt động kinh doanh, vận tải của ngành logistics nói riêng. Khó khăn lớn nhất có thể nhìn thấy là sự đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng dịch vụ chuyên chở hàng hóa; hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển quốc tế… Từ năm 2020 tới nay, luôn xảy ra tình trạng thiếu hụt container, khó khăn trong việc đặt giữ chỗ trên tàu và máy bay cũng gây trở ngại không nhỏ cho các doanh nghiệp và người dân khi trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh để tái khởi động lại nền kinh tế trong hoàn cảnh mới.
Do đó, để tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới đây, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cùng các hiệp hội doanh nghiệp, sự tư vấn, đề xuất chính sách từ các học giả, các nhà nghiên cứu để tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực doanh, dịch vụ hay chất lượng nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ Việt Nam. Với chủ đề “Phát triển hoạt động và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam trong bối cảnh mới”, đại diện ban tổ chức, ông Tuấn bày tỏ mong muốn, các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo cùng thảo luận và đề xuất, kiến nghị về các nội dung có tính gợi mở như: Phát triển bền vững, hoạt động logistics và chuỗi cung ứng để vượt qua thách thức; Vai trò kết nối của ngành logistics nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và đặc biệt là kinh tế Việt Nam nói riêng;
Hoàn thiện và tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng lực thích ứng của nền kinh tế; Phát triển cơ sở hạ tầng logistics và chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh mới; Ứng dụng công nghệ nhằm phát triển hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng…. Cũng tại hội thảo, Phó giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam nhận định, trong những năm qua, với sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng Việt Nam đã và đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi lớn cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.
Ngay sau khi thành lập, VALOMA đã cùng các hiệp hội ngành nghề triển khai nhiều hoạt động hữu ích như trao đổi nghiệp vụ, tổ chức các cuộc thi tài năng hay các chuỗi sự kiện có liên quan nhằm nâng cao tri thức, sự kết nối và năng lực cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam. Chủ đề của hội thảo năm nay là phát triển hoạt động logistics và chuỗi cung ứng Việt Nam trong bối cảnh mới.
Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, thực trạng và định hướng phát triển của mạng lưới logictíc tại Việt Nam cần phải tổ chức như thế nào để vận hành hiệu quả, an toàn và thích ứng với dịch bệnh đang là điều được rất nhiều người quan tâm. Tại hội thảo này, các diễn giả đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện, xác đáng trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nhằm giúp cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người lao động đưa ra quyết định đúng đắn và hiệu quả cao hơn trong hoạt động và đời sống hàng ngày.
Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam cũng cam kết sẽ hỗ trợ việc tổ chức, chuyên môn để hoạt động này trở thành một hoạt động thường niên của hiệp hội; phát triển mối quan hệ bền chặt giữa thực tiễn và khu vực đào tạo, nâng cao kiến thức cho ngành vận tải.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Viện phó Viện Chiến lược giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, qua thực tiễn khảo sát, các doanh nghiệp Việt Nam cho hay, thời gian vận chuyển cũng như mức độ tin cậy trong vận chuyển là những nhân tố quan trọng mà doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Chính vì vậy, vấn đề định hướng phát triển giao thông vận tải Việt Nam cũng như việc quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới cùng những giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động logistics là chủ đề của rất nhiều hội nghị, hội thảo đã và đang được tổ chức gần đây.
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền cũng đánh giá tổng quan thực trạng ngành giao thông vận tải hiện nay và trình bày một số giải pháp về quy hoạch phát triển giao thông vận tải trong giai đoạn tới. Theo đó, nêu rõ, trong bối cảnh mà nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các vùng, lãnh thổ và quốc gia đã và sắp được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các hoạt động tự do thương mại, hội nhập quốc tế và duy trì độ mở cưả của nền kinh tế Việt Nam.
Mặc dù phát triển mạnh mẽ như vậy, song trong 10 năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng chỉ tăng đến 188%, đứng thứ 2 trong Top 10 nước có mức tăng trưởng mạnh nhất về kim ngạch xuất nhập khẩu trên toàn cầu.
Theo bà Hiền, có thể thấy, nhu cầu phát triển kinh tế mạnh đang kéo theo yêu cầu về phát triển hoạt động vận tải hàng hóa. Dự kiến, đây sẽ là lĩnh vực hoạt động rất mạnh mẽ trong cái thời gian tới. Trước yêu cầu ấy, ngành giao thông vận tải sẽ cần phải phát triển nhanh và mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu vận tải dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 6,4 lần so với tải lượng nhu cầu giao thông vận tải trong năm nay.
Muốn làm được điều ấy, rất cần sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của Nhà nước, các chủ trương và cơ chế khuyến khích thúc đẩy của chính quyền các địa phương; cũng như sự quan tâm, quyết liệt của các nhà đầu tư và doanh nghiệp./.