Tin Tức

Doanh nghiệp vận tải biển ảnh hưởng ra sao trước căng thẳng Nga-Ukraine?

Doanh nghiệp vận tải biển ảnh hưởng ra sao trước căng thẳng Nga-Ukraine?

Việc giá dầu leo thang do chiến sự tại Ukraine được cho là có ảnh hưởng lớn, làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp ngành vận tải biển.

Dù vậy, tăng trưởng về xuất nhập khẩu đang là động lực, tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp cảng, vận tải biển. Nhờ những kỳ vọng này, cổ phiếu vận tải biển đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.
*Cổ phiếu đồng loạt đi lên”

Vận chuyển đường biển

Nhóm cổ phiếu ngành vận tải biển thời gian gần đây liên tiếp tăng giá mạnh, đặc biệt trong phiên 3/3, hàng loạt mã cổ phiếu nhóm ngành này tăng trần.
Theo đó, tính từ đầu tháng 3 đến hết phiên 7/3, cổ phiếu GMD của Công ty cổ phần Gemadept tăng 12,2%, MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tăng 37,23%, VOS của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam tăng 22,12%, HAH của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng 11,72%.

Thậm chí cổ phiếu VNA của Công ty cổ phần Vận tải Biển Vinaship tăng liên tiếp 15 phiên (từ 11/2 – 3/3) với mức tăng 51,4%. Sau đó, VNA điều chỉnh giảm nhẹ trở lại trong phiên 4/3 và 7/3.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu cảng biển diễn ra trong bối cảnh giá dầu tăng cao kỷ lục cho thấy giới đầu tư vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào ngành này. Các chuyên gia phân tích cho rằng, doanh nghiệp cảng biển đang được hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế và mở cửa giao thương trở lại của các quốc gia trên thế giới.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, cổ phiếu ngành cảng biển tăng mạnh những phiên gần đây là nhờ dòng tiền đổ mạnh vào những nhóm ngành được cho là hưởng lợi từ sự kiện căng thẳng Nga – Ukraine; trong đó, ngành vận tải biển được cho là hưởng lợi từ việc giá cước vận tải tăng cao, cùng sự tăng giá hàng loạt các loại hàng hoá, nguyên vật liệu trên thế giới.
Dù vậy, nhìn xa hơn có thể thấy, nhóm cổ phiếu cảng biển đã có sự hồi phục tích cực trong hơn 1 tháng gần đây, với đa số cổ phiếu thuộc nhóm này đã tiệm cận và vượt vùng đỉnh giá đã hình thành trong năm 2021. Cùng với đó là nhờ những kỳ vọng về việc kinh tế thế giới sẽ sớm mở cửa trở lại và nhóm này hưởng lợi lớn từ quá trình giao thương quốc tế khôi phục, trong điều kiện giá cước vận tải vẫn duy trì ở mức khá.
Theo quan điểm của ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giá cổ phiếu ngành vận tải biển tăng mạnh trong những phiên gần đây là do chính sách “Zero COVID-19” của Trung Quốc và căng thẳng giữa Nga – Ukraine gây thêm áp lực lên thương mại toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
“Ba hãng tàu biển lớn nhất thế giới MSC, Maersk, CMA CGM thông báo tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga có thể đẩy giá cước vận tải biển lên cao hơn. Đây là lý do cho đà tăng của hàng loạt mã cổ phiếu ngành này”, ông Bách cho biết.
*Động lực từ xuất, nhập khẩu
Thực tế, cổ phiếu ngành vận tải biển có liên quan chặt chẽ đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Trong khi đó, hoạt động xuất, nhập khẩu đang là một trong những điểm sáng nhất của kinh tế Việt Nam.

 

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính cả năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, tương ứng tăng 123,23 tỷ USD
Hai tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước của Việt Nam đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 10,2%, nhập khẩu tăng 15,9%.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Agribank (Agriseco), bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2021 mặc dù khá ảm đạm do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần thứ 4, nhưng vẫn có nhiều điểm sáng, đặc biệt sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Một trong những điểm sáng là tăng trưởng về xuất khẩu. Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 vẫn tăng trưởng gần 19% so với cùng kỳ 2020. Xuất khẩu đang tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhờ dịch bệnh đang được đẩy lùi và nhu cầu quốc tế hồi phục mạnh mẽ.

Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển


Thực tế, căng thẳng Nga-Ukraine được giới chuyên gia dự báo tác động đến Việt Nam không quá lớn. Theo TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), căng thẳng Nga – Ukraine không ảnh hưởng quá nhiều nhưng, tác động gián tiếp qua giá dầu hay từ những nước áp dụng lệnh trừng phạt với Nga cũng là vấn đề cần được lưu tâm.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, hiện tại, tất cả các cảng của Ukraine ở Biển Đen đều phải đóng cửa trong khi các cảng của Nga vẫn hoạt động. Dù vậy, một số hãng tàu bắt đầu cân nhắc việc tạm dừng tất cả các chuyến hàng đến Nga để tránh những hậu quả không mong muốn.
Nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Mặt khác, chi phí nhiên liệu tăng và giá cả tăng do lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến sức mua.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, căng thẳng Nga – Ukraine là nhân tố làm tăng giá cước vận tải, logistics.
Về ngắn hạn, với việc giá cước ở mức cao thì ngành cảng biển có thể hưởng lợi. Nhưng, nhìn về dài hạn, sự phục hồi kinh tế toàn cầu, giao thương quốc tế thông suốt là yếu tố giúp ngành cảng biển phát triển bền vững. Sự kiện căng thẳng Nga- Ukraine chỉ là ngắn hạn và có thể giảm tác động lên giá cước khi tình hình hạ nhiệt.
Đương nhiên là khi chi phí tăng thêm thì phần này sẽ đẩy cho khách hàng, nhưng về cơ bản là biên lợi nhuận của doanh nghiệp cảng biển, logistics cũng sẽ giảm theo.
Bàn luận về vấn đề doanh nghiệp vận tải biển có thể đẩy chi phí tăng thêm vào giá thuê của khách hàng, ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển đều đã ký hợp đồng trước với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giá xăng dầu tăng nhưng giá hợp đồng cố định nên các doanh nghiệp chưa thể điều chỉnh giá.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải mất từ 5-7 ngày để điều chỉnh giá nên doanh nghiệp logistics phải chịu lỗ trong thời gian đó. Nhưng, cũng không phải khách hàng nào cũng đồng ý việc tăng giá cước.
Doanh nghiệp vận tải biển cũng chỉ có thể chuyển các chi phí tăng thêm cho khách hàng khi khách hàng vãng lai hoặc khách hàng không ký hợp đồng, nhưng cũng phải báo trước.
Còn ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, đa số các doanh nghiệp trong ngành cảng biển, logistics đều không mong muốn việc giá dầu tăng mạnh tiếp. Vì khi đó, họ không còn nhiều lợi ích từ việc giá cước tăng, trong khi căng thẳng leo thang kéo dài lại làm giảm khối lượng công việc do giao thương quốc tế suy giảm./.

5/5 - (1 bình chọn)
admin Hường